Bộ GDĐT đang hướng đến mục tiêu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Ủng hộ quyết tâm của ngành Giáo dục, trong tuần qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng Bộ GDĐT ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Dũng-Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, có niềm tin về chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo sẽ được thực hiện tốt.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, nhìn từ góc độ công nghệ, trong thời gian khoảng 20 năm qua, ngành giáo dục - đào tạo có hai điểm nhấn đột phá lớn. Đầu tiên là khoảng năm 2010, đã triển khai hạ tầng kết nối internet với các trường học. Thứ hai, trong khoảng thời gian gần đây đã triển khai được nhiều các phần mềm, cơ sở dữ liệu. Đây chính là tiền đề rất tốt cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
“Tôi tâm đắc với quan điểm cho rằng thực ra các trường đại học (ĐH), các cơ sở giáo dục - đào tạo chính là một quốc gia thu nhỏ, và thực ra tất cả các bộ phận tinh hoa của quốc gia chúng ta có thể nhìn thấy ở trong trường ĐH, và nếu các trường ĐH mà không chuyển đổi số, các cơ sở giáo dục - đào tạo mà không chuyển đổi số thành công thì quốc gia không thể chuyển đổi số thành công được”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, nhìn nhận từ góc độ của Bộ Thông tin và Truyền thông thì nội hàm chuyển đổi số hay một trường ĐH số, một trường học số gồm nhiều yếu tố.
Yếu tố đầu tiên là từ công tác dạy và học. Đó là sự thay đổi về mặt nhận thức, tạo lập nên một môi trường học tập số và học liệu số. Từ môi trường số, học liệu số sẽ thay đổi phương pháp dạy và học, qua đó từng bước hình thành nên học viên số và giảng viên số.
Thứ hai là nhìn từ công tác quản lý giáo dục, công tác quản lý dạy và học. Trong đó có hai khía cạnh. Một khía cạnh hết sức truyền thống là công tác quản lý của một trường, một phòng GDĐT, một sở GDĐT, cao hơn là quản lý nhà nước của Bộ GDĐT.
Nhưng mà trong việc chuyển đổi số này, bên cạnh chức năng quản lý nhà nước về ngành, Bộ GDĐT còn có sứ mệnh nữa là kiến tạo sự phát triển cho thị trường aptech của Việt Nam, cho hệ sinh thái nội dung số phục vụ học tập của Việt Nam. Thế thì vai trò kiến tạo này, cũng quan trọng không kém vai trò quản lý để thúc đẩy sự phát triển.
Theo ông Dũng, để chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo, việc đầu tiên cần làm là số hóa học liệu, các nguồn dữ liệu thông tin tập trung kiến thức dữ liệu đầu vào số hóa, bao gồm cả việc thiết kế, xuất bản và lưu trữ.
“Ở đây chúng tôi muốn nói thêm một khía cạnh, từ góc độ công nghệ chúng tôi nhìn thấy tài nguyên giáo dục mở là hết sức quan trọng. Với quan niệm, tri thức là cần phải được chia sẻ, cho nên những học liệu mang tính phổ cập toàn dân nên là học liệu mở và tiếp cận theo cách thức mở. Học liệu mở này sẽ tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng cho mọi người học ở tất cả mọi nơi, mọi miền và thực hiện mục tiêu quốc gia chuyển đổi số có nghĩa là cá thể hóa, cộng đồng hóa công tác giáo dục”, ông Dũng nói và nhấn mạnh: Học liệu số không chỉ là học liệu mà nó còn là dữ liệu.
Trong quá trình tương tác với học liệu của mình, khác với những thông tin rời rạc, người học sẽ để lại những dấu ấn kỹ thuật cá nhân của họ về năng lực, hành vi, về xu hướng học tập của họ. Quá trình chúng ta tạo ra những học liệu số này phải gắn với công nghệ để chúng ta có thể ghi nhận, phân tích được hành vi, qua đó giúp người dạy và người học hiểu hơn về trải nghiệm học tập đến từng cá nhân. Do đó điều chỉnh chủ động được về hành vi, phương pháp , mục tiêu học tập bên cạnh những nội dung khác…
Về giáo viên, khi chúng ta đã tạo nên môi trường số, học liệu số thì một môn học, vai trò của người giáo viên thể hiện ở khả năng xâu chuỗi những đơn vị học tập, tài nguyên học tập thành một giáo trình, một lộ trình riêng có. Một môn học có thể chia nhỏ thành hàng ngàn đơn vị kiến thức có mối liên hệ liên kết với nhau chứ không chỉ đơn thuần là những video giảng dạy rời rạc nhàm chán.
Dựa trên kênh kiến thức, hành vi học tập, kết quả kiểm tra của từng đơn vị kiến thức, người học sẽ được dẫn dắt bổ sung những đơn vị kiến thức còn thiếu theo hướng phát triển toàn diện. Lúc này, trí tuệ nhân tạo sẽ có vai trò rất lớn, chúng ta sẽ khó có thể có một thầy giáo cho một học viên, thế nhưng với công nghệ số thì mỗi học viên có thể có một “người cố vấn” riêng hiểu rõ về mình hơn cả thầy cô giáo, hơn cả bản thân họ. “Người cố vấn” này sẽ hiểu người học còn thiếu những gì, cần bổ sung những gì và lộ trình học tập như thế nào cho phù hợp.
Đồng thời, với công cuộc chuyển đổi này chúng tôi cũng thấy công nghệ số thay đổi rất nhanh, cho nên xu hướng kiến thức nền, kiến thức chính quy có thể tập trung ngắn lại và liên tục học bổ sung kiến thức mới. Mới đây sáng kiến của Google có chương trình rất hay, là để 1 em sinh viên có thể chỉ trong 6 tháng học chương trình tương đương công nghệ 4 năm.
Thế thì khung kiến thức nền, kiến thức chính quy chúng ta có thể nén lại, nhấn mạnh yếu tố học liên tục học thường xuyên. Như vậy các em sẽ có thêm thời gian học những kiến thức các em còn thiếu, cũng như có thêm thời gian để phát triển toàn diện hơn.
Với môi trường học tập số, không gian học tập được mở rộng, tăng cường tương tác cả trong thế giới thực và thế giới ảo, tăng cường hướng tiếp cận xử lý thông tin, đồng thời mỗi người học có thể gắn kết với cả cộng đồng. Người học cũng có thể tham gia sáng tạo nội dung, đóng góp quá trình học tập của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng đồng hành thiết lập nên nền tảng giáo dục số quốc gia, mang tính là nền tảng cung cấp dịch vụ cơ bản, dịch vụ định danh, dịch vụ xác thực… để các doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường này một cách nhanh chóng, giảm chi phí. Đồng thời cũng sẵn sàng cùng các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số cho tất cả các trường học từ tiểu học, trung học, đại học…
“Thực ra đây là vấn đề mới, chúng ta sẽ tiến hành thí điểm, thực hiện nhanh ở tất cả các cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học, trung học đến ĐH. Chúng tôi có niềm tin về quá trình thí điểm này cũng như nhân rộng”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng: Để chuyển đổi số quốc gia thành công và để có thể làm chủ được không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định việc phát triển và làm chủ công nghệ mở là giải pháp hết sức quan trọng. Với công nghệ mở thì cộng đồng là quan trọng. Cộng đồng này được hình thành từ chính các học sinh, đặc biệt là các sinh viên ĐH. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất các trường ĐH ưu tiên đưa những nội dung, giáo trình dạy các em dựa trên giải pháp công nghệ mở, nền tảng công nghệ mở để giúp các em tìm hiểu, sáng tạo...
Nguồn: Tùng Linh